Khinh các bà, chỉ có... tiêu đời chăng?

Ở đời vẫn thường xẩy ra những chuyện tréo cẳng ngỗng - không chỉ đối với một cá nhân mà nhiều khi cả với tập thể. Hoạch định một đằng, kết quả lại xẩy ra một nẻo. Bởi đã quá “tự tin,” thành ra “nạn nhân” chẳng biết giải thích làm sao, cuối cùng đành đổ lỗi cho... trời, chẳng hạn những câu vốn nghe... quen quen: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (tục ngữ), hoặc: “Có tài mà cậy chi tài; chữ Tài liền với chữ Tai một vần.... Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa!” (Kiều); và: “Trời còn khi nắng khi mưa; Ngày còn khi sớm khi trưa, nữa người!” (Ca dao)...


“Sự cố” nóng hổi dưới đây chính là một chứng minh cụ thế nhất:

Các bà đe dọa ‘cấm cửa’ sau cuộc bầu cử ở Nhật

Cách nay khoảng hơn thế kỷ, nam giới Việt Nam vẫn hô to khẩu hiệu vốn bao gồm các giấc mơ “cao cấp” của họ: “Ăn cơm Tàu - ở nhà Tây - lấy vợ Nhật.” Nay thì những niềm khát khao này đối với các đấng mày râu Việt đã tan tành thành mây khói - mà nếu có cơ trở thành sự thật thì mười ông đến chín ông lắc đầu lia lịa: “Em chả! Em chả!” Không lạ khi “cơm Tầu” nếu không nhiều dầu, nhiều mỡ thì cũng đầy hóa chất; ăn vào thì chỉ “từ chết đến bị thương” mà thôi. Còn “nhà Tây” ư? Xin lỗi chứ, “chuồng cu” ở xứ Cờ Hoa này còn rộng hơn. Ai có dịp du lịch đến Paris, kinh đô ánh sáng của Pháp, ắt thấy nhà nào nhà nấy hầu hết cổ lỗ sĩ, lại chật chội. Câu nói đùa thiết tưởng cũng không sai lắm đâu: “Khi mặc áo thì phải giơ tay ra ngoài cửa sổ mới đủ chỗ đút tay vào tay áo.”

Và cách riêng tiết mục sau cùng: “Vợ Nhật?” Ngày nay ở xứ Phù Tang không còn nữa hình ảnh ông chồng đi làm về được vợ ra tận cửa “rước” vào; trong lúc miệng cười tươi như hoa Anh Đào, tay “nàng” nhẹ nhàng cởi giầy và bí tất (phần nhiều hôi hơn cú) cho “chàng”; rồi thì một chậu nước ấm với khăn lau thơm tho đã để sẵn, chờ “chàng” ra rửa mặt trước khi dùng cơm. Vợ Nhật hiện đại đã vùng lên, cởi bỏ ki-mô-nô để mặc “jean,” váy ngắn hoặc khi cần, chẳng... mặc gì hết để thị uy đối với “phái mạnh.”

Đầu đuôi sự kiện mang “tính lịch sử” diễn ra thế này: Theo bản tin đăng trên nhật báo Anh The Guardian hôm thứ Hai vừa qua, ngày 10-2-2014, Thống Đốc đắc cử Yoichi Masuzoe, ngoài chủ trương gia tăng việc sử dụng năng lượng nguyên tử, ông còn anh dũng tuyên bố mạnh bạo chẳng kém gì sóng thần: “Không cho phụ nữ một chức vị nào trong chính phủ bởi nguyên nhân những trở ngại do nạn kinh nguyệt của họ gây ra.”

Lập tức, các bà trả đũa bằng một đòn độc: Phụ nữ Nhật ở thủ đô Tokyo cuối tuần vừa qua đã đe dọa “bế quan tỏa cảng” SEX với tất cả đàn ông nào bỏ phiếu cho “gã” Yoichi Masuzoe. Không chỉ có những lời đe dọa suông mà cả một chiến dịch được thành lập trên trang mạng xã hội Twitter, với danh xưng: “The Association of Women Who Will Not Have Sex with Men Who Vote for Masuzoe.” Không đầy một ngày đã có trên 3,000 người “đáp lời sông núi.” Ban tổ chức chỉ cho biết 3,000 người này đều là phụ nữ nhưng không xác định họ toàn là những bà vợ hay gồm cả những “single moms,” những bà “độc thân tại chỗ” hoặc có cả các đồng tính nữ?

Các nữ sáng lập viên ẩn danh (tại sao lại phải giấu tên nhỉ? Phải chăng để đề phòng sự “phản hồi” của ông xã?) cho biết rằng họ “cấm cửa... tình” như vậy nhằm ngăn chận việc ông Masuzoe đắc cử. Các bà viết trên Twitter: “Chúng tôi công bố đường lối này là để gây trở ngại cho cơ hội ông Masuzoe đắc cử Thống Đốc, bởi ông đã sử dụng 'sự ấy' để nhục mạ toàn thể phụ nữ (...) Chúng tôi không muốn làm tình với những người đàn ông nào bỏ phiếu cho ông Masuzoe...”

Được chính phủ tán trợ

Yoichi Masuzoe không phải là một chính khách vô danh tiểu tốt hoặc gà mờ nhưng nổi tiếng ở Nhật Bản qua những lần ông tham gia tích cực vào các cuộc tranh luận trên các hệ thống TV Nhật. Năm nay Masuzoe vừa tròn 65 tuổi nhưng ông đã khởi sự bước vào chính trường từ năm 2001. Thật tình, chẳng cứ bây giờ ông ta mới bày tỏ quan điểm “trọng nam khinh nữ” mà từ năm 1989, trong một cuộc phỏng vấn, ông Masuzoe đã “liều mạng sa trường” xác quyết rằng quả là chính xác để không cho phụ nữ nắm giữ bất cứ địa vị cao trọng nào trong chính quyền bởi vì những rắc rối kinh nguyệt vẫn làm cho họ trở nên phi lý. Ý tưởng của ông Masuzoe y chang nội dung của một câu ca dao Việt Nam:

“Đàn bà nói có là không,
Nói yêu là ghét, nói buồn là vui.”

Ấy, bình thường mà họ đã như vậy, khi “treo cờ đỏ,” họ còn... khủng khiếp đến cỡ nào. Trời cũng không chịu nổi. Nguyên văn “lời hay ý đẹp” của chính khách Masuzoe như sau: “Phụ nữ không bình thường khi có kinh nguyệt. Không thể cho phép họ thực thi các quyết định quan yếu liên hệ đến sự tốt đẹp của quốc gia, chẳng hạn đất nước sẽ tham chiến hay không.”

Thế mà, ứng cử viên Thống Đốc này lại được sự ủng hộ hết mình của đảng bảo thủ hiện nắm quyền chính phủ, và đặc biệt của Thủ Tướng diều hâu Shinzo Abe.

Kể cũng chẳng lạ, cũng tại phần lớn các... bà, không ai chịu “xâm mình” mà “thừa thắng xông lên” ra tranh chiếc ghế Thống Đốc Tokyo, để mặc nhóm đực rựa “múa gậy rừng hoang.” Trong số 16 nam ứng cử viên này, đa số các ông đều đã lên lão, nghĩa là trên “sáu bó” cả rồi. Thử đặt trường hợp một phụ nữ ra tranh cử thì bảo đảm đóa hoa này tuy “lạc giữa rừng gươm,” nhưng hẳn sẽ được sự hỗ trợ rộng lớn của đa số cử tri “phe mình” đã đành mà còn thu hút được nhiều phiếu của các đấng đàn ông “hào hoa phong nhã,” các tay chuyên “nịnh đầm” và các nam cử tri vốn tôn trọng quyền bình đẳng. Không chỉ 16 mà cả trăm “gươm,” đóa hoa duy nhất này cũng có thể bẻ gẫy dễ còn hơn “đánh cờ người.” Trong hoàn cảnh “hữu nam vô nữ” này, người ta có quyền chê phụ nữ Nhật “chậm chân uống nước đục” để rồi mãi nay mới khởi công... đấu võ miệng bằng chưởng lực SEX.

Kẻ thù của nữ giới

Thôi thì “có trễ còn hơn không.” Ngoài nhóm Twitter kể trên, một đoàn thể phụ nữ khác cũng vừa mở thêm một trận tuyến nữa bằng cách thiết lập một Webside mới cũng nhằm không để Yoichi Masuzoe có cơ may ngồi lên ghế Thống Đốc. Trang điện tử này hàng ngày có tới khoảng 75,000 người vào “thăm” và đã có trên 2,800 người ghi danh vào “chiến dịch ký tên” của họ. Etsuko Sato viết: “Masuzoe là một tử thù của nữ giới. Ông ta không yêu nước Nhật Bản; ông ta chỉ yêu bản thân ông ta mà thôi.”

Mặc dù nhiều phụ nữ ở Nhật có trình độ học vấn cao, nhưng họ thường nghỉ việc khi họ có con. Áp lực xã hội để trở thành một bà nội trợ vuông tròn “công dung ngôn hạnh” vẫn tiếp tục mạnh mẽ ở Nhật Bản.
Nhật báo Kyodo News viết trên trang mạng hôm thứ Hai là ứng cử viên Masuzoe xem ra có thể “ca khúc khải hoàn” trong cuộc bầu cử Thống Đốc vào cuối tuần này. Phụ nữ Nhật khó có thể bẻ gẫy nổi cây cột vững chắc của ông; đó là chủ trương Nhật Bản tiếp tục sử dụng năng lượng nguyên tử vốn được đa số cử tri ủng hộ. Hai đối thủ chống lại năng lực nguyên tử, tuy theo sát nút ông Masuzoe nhưng khó có thể “qua mặt mà không bóp kèn” inh ỏi, trừ phi trong năm Giáp Ngọ này xẩy ra hiện tượng “ngựa về ngược.”

Phản ứng của nam giới?

Cho tới nay, không thấy một nữ chính khách thượng thặng nào, như bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel, bà Thủ Tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, bà Thủ Tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, bà Thủ Tướng Sheukh Hasuna Wazed của Bangladesh... lên tiếng xác nhận hay đính chánh lời của ông Nhật Youchi Masuzoe nhằm chê bai phụ nữ là mất lý trí khi có kinh nguyệt, bất khả điều hành công việc “trị quốc, bình thiên hạ.” Công dân Hoa Kỳ có thể chờ đến năm 2016, nếu bà Hillrary Clinton ra tranh cử Tổng Thống Mỹ, liệu có đối thủ nào sử dụng “đường lối và chính sách” của ông Masuzoe để hạ bệ bà hay không.

Song song đó, dư luận trong và ngoài nước Nhật cũng không thấy khối nam cử tri có vợ, có bồ chính hiệu lẫn bồ nhí... phản ứng lo sợ bị “tẩy chay Sex” nếu họ bỏ phiếu cho ứng cử viên Youchi Masuzoe. Họ tiếp tục “bình chân như vại” thành ra “mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh.” Phải chăng vì chiến dịch “The Association of Women Who Will Not Have Sex with Men Who Vote for Masuzoe” không xác định thời gian “cấm cửa... tòa thiên nhiên” là bao lâu nên phe mày râu tin tưởng là họ dư sức “cầm cự” nổi. Vả lại những “chợ ôm” ở Nhật vào thời buổi nào cũng hoạt động náo nhiệt suốt 24/24 giờ, “lo bò trắng răng” làm gì cho tổn hại sinh lực. Hơn nữa, nhân dịp nữ giới “cấm cửa sex,” các đấng ông chồng lại càng có “chính nghĩa” để ăn “phở” thì thử hỏi, tên đàn ông nào mà chẳng... muốn:

“Cơm ăn hàng bữa nên quen,
Phở thì thỉnh thoảng nên thèm, đương nhiên!”

Hoài Mỹ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.