Chính phủ Mỹ đóng cửa và khái niệm Dân Chủ

Hiện nay, chính phủ Mỹ phải đóng cửa 1 phần vì không đủ kinh phí hoạt động do quốc hội chưa thông qua luật cung cấp tiền cho chính phủ. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là sự bất đồng trong quốc hội. Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát, Thượng Viện lại do đảng Dân Chủ kiểm soát, trong khi đứng đầu hành pháp là tổng thống Obama là người của đảng dân chủ. Việc đóng cửa sẽ gây nên ít nhiều thiệt hại cho nền kinh tế, tùy thời gian đóng cửa, tuy nhiên, điểm sáng của việc này là nó thể hiện 1 dạng sinh hoạt dân chủ mà ít quốc gia nào có được.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về tình hình hiện nay để có thể bàn xa hơn. Một đạo luật chỉ được coi là đã thông qua khi đã được cả 2 viện của Quốc Hội thông qua và được ký bởi tổng thống. Dự luật phải được bắt đầu ở Hạ Viện, nơi đảng Cộng Hòa đang là số đông. Hạ Viện đã thông qua 1 dự luật cung cấp tiền cho chính phủ với nhiều điều kiện trong có đó việc phải cắt giảm ngân sách chi tiêu của chính phủ, mà 1 trong những liên quan là hoãn thi hành chương trình y tế, được gọi là Obamacare.

Khi dự luật này lên đến Thượng Viện, nơi đảng Dân Chủ đang là số đông, thì bị bác bỏ. Sau đó, Thượng Viện đã sửa đổi dự luật này, trong đó có việc vẫn cho phép tiến hành chương trình Obamacare, gởi trả lại Hạ Viện, ý là "chúng tôi sẽ thông qua dự luật như thế này". Hạ Viện xem xét bản dự luật sửa đổi này, nhưng vẫn không thể thông qua. Thế là hết thời hạn, chính phủ Mỹ phải đóng cửa 1 phần.

Hiện nay, cả 2 phe Cộng Hòa và Dân Chủ đang đổ lỗi cho nhau, nhằm lấy lòng dân. Ông Obama lớn tiếng nhất vì ông đang nắm giữ chức vụ tổng thống và nhất là dự luật này lại liên quan đến chính sách Obamacare mà ông đã rất cố gắng để nó trở thành hiện thức.

Trên các phương tiện truyền thông, ông Obama đã nhiều lần chỉ trích rất nặng đảng Cộng Hòa, rằng họ đã bắt chính phủ làm con tin, họ đã bỏ rơi quyền lợi của người dân Mỹ, họ đã thiếu trách nhiệm khi không thông qua dự luật ... Cụ thể là ông nói chuyện đóng cửa chính phủ hay không đang nằm trong tay đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện, và họ đã đóng cửa chính phủ. Ngắn gọn là trách nhiệm về việc đóng cửa này thuộc các thành viên đảng Cộng Hòa, bản thân ông và đảng của ông không có trách nhiệm.

Đây là những quy chụp, theo tôi có phần tiểu nhân, mà các phương tiện truyền thông người Việt tại Hải Ngoại và Việt Nam trích đăng tải nhưng thiếu hẳn những phân tích cần thiết để người đọc hiểu rõ vấn đề. Từ đó dẫn tới nhận định sai lạc và quan trọng hơn là không thấy được mặt sáng qua vụ việc này.

Trình bày ngắn gọn là :
Đảng Cộng Hòa (ĐCH)
- Ở Hạ Viện, chúng tôi đã thông qua dự luật này, cung cấp tiền để chính phủ tiếp tục hoạt động.
Đảng Dân Chủ (ĐDC)
- Ở Thượng Viện, chúng tôi đã bác bỏ dự luật mà các ông tiến cử. Chúng tôi đã sửa đổi nó, và đây là bản dự luật mà chúng tôi chắc chắn sẽ thông qua và chắc chắn sẽ được ký thông qua bởi tổng thống.
ĐCH
- Ở Hạ Viện, xin lỗi chúng tôi cũng không thể thông qua cái dự luật mà các ông đề nghị.

Hết.

Vậy, đâu thể nói vấn đề đang nằm trong tay ai. Đâu phải Hạ Viện không thông qua 1 dự luật cho phép chính phủ hoạt động tiếp. Họ đã thông qua 1 dự luật rồi đấy chứ, vấn đề là Thượng Viện (thuộc đảng Dân Chủ) đã bác bỏ dự luật đó. Và cho dù dự luật đó được thông qua tại Thượng Viện thì khi đến tay tổng thống Obamma thì gần như chắc chắn ông sẽ không ký thông qua.

Hiện nay, 2 đảng phái và tổng thống Obama đang thảo luận, thương lượng, tìm thỏa hiệp, thêm cái này bớt cái kia, để có thể cho ra dự lưật mà cả 3 đều chấp nhận, để chính phủ có tiền mở cửa trở lại, tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế của Mỹ và cả thế giới. Chúng ta nên biết rằng cái chuyện thương lượng tìm thỏa hiệp là việc làm thường xuyên của nền chính trị Mỹ, chứ không phải họ chưa lâm vào tình trạng này bao giờ, nổi bật nhất là thỏa hiệp Connecticut mà hầu như học sinh trung học nào của Mỹ cũng đều rõ. (xem thêm ở bài "Sơ lược cơ cấu chính trị Mỹ")

Bất đồng, thương lượng, tìm thỏa hiệp chính là phần quan trọng nhất của 1 nền dân chủ mà vụ đóng cửa này đang phản ảnh.

Khái niệm thỏa hiệp trong nền chính trị Mỹ xuất phát từ 1 triết lý chính trị ở Châu Âu mà người Mỹ đã học hỏi : không có cái gì tuyệt đối đúng và cũng không có ai luôn luôn đúng. Dù chúng ta có thể có chung mực đích nhưng, anh nhìn vấn đề ở khía cạnh này, tôi nhìn vấn đề ở khía cạnh khác. Anh xét vấn đề trong quan niệm này, tôi xét vấn đề trong quan niệm khác.

Do đó bất đồng là chuyện đương nhiên. Vấn đề là thừa nhận sự bất đồng để rồi giải quyết nó bằng thương lượng, thỏa hiệp, thay vì tìm cách xóa sự bất đồng. Cần nhấn mạnh ở đây là đối với người Châu Á nói chung, và người Việt Nam nói riêng, là giải quyết vấn đề bằng cách xóa đi sự bất đồng (mà không bao giờ thật sự xóa được vì đó là bản chất của con người - chỉ là giả tạo, dối người, dối mình), với khái niệm đoàn kết. Còn với người Mỹ thì khác : chúng tôi đã tìm ra thỏa hiệp để giải quyết vấn đề, mặc dù chúng tôi vẫn bất đồng với nhau về vấn đề đó. Đó là cái cốt lõi của tinh thần dân chủ, đó là cái lõi của tinh thần pháp trị mà nhà chính trị học người Pháp, Montesquieu, đã đề cập từ năm 1740, trong cuốn "Vạn Pháp Tinh Lý".

Trong vụ đóng cửa này, sự bất đồng có thể dẫn giải như sau.
ĐCH
- Chúng tôi đã có dự luật cung cấp tiền cho chính phủ hoạt động. Tuy nhiên, để bảo đảm cho sự cân bằng ngân sách quốc gia, dự luật đó buộc chính phủ phải cắt giảm một số chi tiêu, mà cụ thể là phải trì hoãn đạo luật Obamacare một thời gian.
ĐDC
- Không thể chấp nhận được, đạo luật Obamacare đã được thông qua, đang chuẩn bị thi hành, nhất là đạo luật này giúp đỡ rất nhiều dân nghèo tại Mỹ, không thể hoãn nó.
ĐCH
- Nếu không cắt giảm chi tiêu như thế, ngân sách quốc gia sẽ thâm thủng nặng, kết quả còn ghê gớm hơn nhiều.
ĐDC
- Thế thì chúng tôi đề nghị tăng thuế để bù vào thâm hụt, cụ thể là tăng thuế người giàu thêm 5 phần trăm. Họ giàu rồi, tăng thêm 5 phần trăm chẳng làm họ nghèo đi.
ĐCH
- Không thể được, thăng thuế người giàu, đa số là những người làm thương mại, những ông chủ, họ sẽ cắt giảm nhân viên để bảo đảm lợi nhuận, giảm quy mô sản suất. Thế là xã hội lại có thêm người thất nghiệp, số người nghèo sẽ tăng thêm, chính phủ lại phải bỏ thêm tiền để trợ cấp thất nghiệp, thậm chí chương trình Obamacare sẽ không đủ tiền để duy trì vì người nghèo tăng nhanh. Làm như thể chỉ là vòng luẩn quẩn, không thể sống bằng cách ăn đuôi của mình.
ĐDC
- Chúng tôi khảo sát thấy rằng, tăng thuế không làm các ông chủ giảm việc làm, giảm quy mô sản xuất.
ĐCH
- Thế à, còn khảo sát của chúng tôi thì cho thấy cứ tăng thuế thêm 1 phần trăm thì quy mô sản xuất của các hãng xưởng sẽ giảm 2 phần trăm.

Thế đấy, ai cũng có cái lý của mình. Có thể bảo họ dối trá, nhưng khó có thể chứng minh họ vô lý. Trong khi nền pháp trị là dựa vào lý lẽ chứ không phải cảm tính. Giả quyết vấn đề bằng cảm tính thì dễ lắm, ai có quyến thì cứ ý mình mà tiến hành, có hỏi ý kiến người khác thì cũng chỉ là tham khảo, vấn đề là kết quả như thế nào. Chính vì thế mà rất nhiều nước vẫn còn xa lắm trên con đường tiến tới 1 nền pháp trị, mà nguyên nhân lớn là phần đông người dân của các nước ấy chưa hiểu được tinh hoa của 1 nền pháp trị, thường thì họ cứ cảm tính mà làm.

Đã mấy ngày trôi qua, chính phủ Mỹ vẫn đóng cửa vì quốc hội vẫn chưa thông qua đạo luật nào cung cấp tiền cho chính phủ, mà cụ thể là đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, cùng tổng thống Obama vẫn chưa tìm ra được thỏa hiệp. Họ đang làm việc với nhau để đi đến 1 thỏa hiệp, mà cụ thể hơn là họ đang thực thi tinh thần dân chủ, mọi vấn đề quan trọng của quốc gia cần được bàn bạc kỹ lưỡng, thậm chí lớn tiếng, chứ không thể làm tùy hứng được.

Thế nếu họ không đi đến thỏa hiệp thì sao? Chính phủ vẫn phải đóng cửa như đã và đang bị đóng cửa. Đó là nguyên tắc của thể chế chính trị Mỹ, và lỗi ở đây là các thành viên quốc hội và tổng thống Mỹ (nhưng con người thất bại trong việc tìm ra thỏa hiệp) chứ không phải thể chế. Chính phủ tiêu tiền như thế nào phải được quy định bởi quốc hội, chứ không thể tự thấy cần là tiêu, vì tự do thì họ sẽ thấy cần rất nhiều thứ, kể cả cần những thứ cho riêng bản thân mình.

Với Mỹ, chính phủ chỉ là tạm thời, thể chế là cơ cấu dài hạn, chỉ có người dân mới là vĩnh cữu. Đóng cửa chính phủ có thể gây nên những hậu quả nặng nề về kinh tế, xáo trộn xã hội, nhưng đó là cái giá phải trả để tránh nạn độc tài, cái vốn tệ hại hơn rất nhiều.

Đinh Nghệ An

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.