Điều đáng lưu tâm qua việc ông Võ Nguyên Giáp từ trần

Mấy ngày nay, người Việt khắp thế giới xôn xao bàn luận về việc từ trần của ông Võ Nguyên Giáp, người đúng đầu quân đội Việt Nam thời chống Pháp và, 1 phần trong thời chống Mỹ. Hầu như có 2 phe rõ rệt, nhắm vào 2 mục đích khác nhau :  phe thứ nhất, tán dương công trạng của ông Giáp, và phe thứ 2 phủ nhận công trạng và tố cáo ông Giáp cùng chế độ Cộng Sản tại Việt Nam hiện nay. Tôi cho rằng cả 2 điều này không đáng lưu tâm lắm. Điều đáng lưu tâm hơn là qua việc ông Giáp từ trần, chúng ta lại có dịp chứng kiến sự u mê của rất đông người Việt, vì chính cái sự u mê này mà người Việt mới bị cai trị bởi Cộng Sản và xem ra thoát khỏi nó vẫn là chuyện xa vời.

Báo chí tại Việt Nam hiện nay tràn ngập thông tin về ông Võ Nguyên Giáp, tất cả đều tôn vinh ông, mà bài nào cũng hao hao nhau, chẳng có bài nào chỉ ra những cái mới mà trước đây họ chưa đề cập. Về nhận định của nước ngoài vẫn thế, cũng là những cái họ đã đề cập rất nhiều lần rồi. Một số có đề cập đến những tin tức nước ngoài hay nhận định về ông Võ Nguyên Giáp khi ông từ trần thì cũng thế, vẫn cắt gọt, tốt thì nói thêm, xấu thì xóa hẳn, và những từ ngữ có cánh, lịch sự của người phát biểu giành cho người vừa nằm xuống, như họ vẫn thường làm cho nhiều người khác chứ không riêng gì ông Giáp. Tóm lại là chẳng có gì mới.

Báo chí "lề trái" cũng chẳng khác hơn. Họ chỉ đăng tải những gì họ đã nói trước đây, về cái xấu của ông Võ Nguyên Giáp, về đảng Cộng Sản Việt Nam, về chính phủ Việt Nam, trong quá khứ và hiện tại. Cả 2 chỉ là những băng cũ được quay lại.

Phần tôi lưu tâm hơn mà thiết nghĩ cần phân tích kỹ là phản ứng của người dân tại tại Việt Nam trước cái chết của ông, qua các phản hồi trên báo Việt Nam và cộng đồng mạng như các blogers và facebook. Tôi cho rằng phần đông những phản hồi trên là thực sự của người đọc chứ không phải ngụy tạo. Và những phản hồi đó thể hiện suy nghĩ thực của họ chứ không phải phản hồi vì miếng cơm manh áo. Rất nhiều người Việt Nam tôn vinh ông Võ Nguyên Giáp như 1 thiên tài quân sự của thế giới, một kẻ đức hạnh vẹn toàn, và không ít người đã nhỏ lệ vị ông. Tôi tôn trọng tình cảm họ dành cho người vừa khuất, nhưng điều này có liên quan đến vận mệnh quốc gia, chứ không phải là vấn đề cá nhân, nên phải nói rằng họ chỉ là những kẻ mu muội. Họ không phải là những kẻ giả dối, chỉ là mu muội.

Cách đây khoảng vài ba năm, nhà độc tài ở Bắc Hàn, Kim Jong-il, đã từ trần, chính quyền Bắc Hàn tổ chức tang lễ rất lớn, với rất nhiều cảnh quay người dân Bắc Hàn khóc vật vã cho nhà lãnh đạo này. Lúc ấy chính quyền Bắc Hàn cũng tô vẽ ông ấy bằng mọi cách và dĩ nhiên không thế thiếu những trích dẫn những nhận định của thế giới về ông, như Việt Nam đang làm. Vì thế tôi cho rằng phần đông người dân Bắc Hàn khóc do cái tâm của họ đối với nhà ông Kim Jong-il. Đối với họ, ông ấy là một thiên tài, một người đã cứu họ khỏi cảnh lầm than, một người tài đức vẹn toàn mà cả thế giới phải nghiêng mình kính phục. Họ đã khóc vì họ nghĩ thế, còn người lãnh đạo ấy có thực sự như họ nghĩ hay không lại là chuyện khác.

Điều buồn cười là lúc ấy người dân Việt Nam, những người đang khóc cho ông Võ Nguyên Giáp, trên các cộng đồng mạng và cả báo chí đều cho rằng : thật tội nghiệp người dân Bắc Hàn, bị nhồi sọ kỹ quá để rồi đi khóc thương vật vã cho 1 kẻ độc tài gian ác. Họ quên mất rằng trước đó không lâu, chính họ cũng đã khóc thương ông Hồ Chí Minh một cách mù quáng, và hôm nay họ cũng khóc thương ông Võ Nguyên Giáp như thế.


Chắc chắn họ sẽ phản ứng : không thể so sánh ông Kim Jong-il với đại tướng VNG của chúng ta được và càng không thể so sánh chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh là những nhân vật ở tầm thế giới, biết bao chính khách năm châu nghiêng minh kính phục, ông Kim Jong-il chỉ là kẻ gặp thời, nếu không có Liên Xô và Trung Quốc chống lưng, chẳng biết ông Kim Jong-il có thể sống quá 30 tưổi hay không, chứ nói gì đến chuyện lãnh đạo tài ba. Chuyện thế giới tôn vinh ông Kim Jong-il là sự nhào nặn, chế biến, hay có 1 thì thêm 10, dở 10 thì bỏ hết, của nhà cầm quyền Bắc Hàn. Do đó, dân Việt ta thương khóc Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh là đúng, còn dân Bắc Hàn thương khóc ông Kim Jong-il là do mu muội, dọ bị tuyên truyền, do bị tẩy não.

Nói thế chứ họ không nghĩ rằng người dân Bắc Hàn cũng có thể có nhận định tương tự, chỉ là đánh tráo nhân vật. Người dân Bắc Hàn cũng có thể nói : không thể so nhánh Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh với lãnh tụ Kim Jong-il của chúng ta được. Lãnh tụ của chúng ta được biết bao chính khách năm châu kính phục vì đã 1 mình chặn đứng sự bành trướng của 1 đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, còn Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh chẳng qua là được Liên Xô và Trung Quốc chống lưng, nếu không thì đã chôn thây ở hang Pắc Bó từ lâu rồi. Chuyện thế giới tôn vinh ông Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh là sự nhào nặn, chế biến, hay thì có 1 thêm 10, dở thì có 10 thì bỏ hết, của nhà cầm quyền Việt Nam. Do đó dân Bắc Hàn ta thuơng khóc lãnh tụ Kim Jong-il là đúng, còn người dân Việt Nam thương khóc Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh chỉ vì bị tẩy não mà thôi.

Đó chính là sự mu muội của cả 2 bên. Cũng như người say rượu, họ không biết mình đang say, và lại thường bảo người khác say.


Nguyên nhân chính của sự mu muội của người dân tại Việt Nam là do chính sách tuyên truyền của chính quyền Cộng Sản Việt Nam hoạt động quá tích cực. Ngoài ra, có 1 nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là do tinh thần AQ của người Việt quá lớn (tôi đã đề cập ở phần "Người Mỹ - Người Việt"). Họ dễ dàng tin, hoặc thích tin, những gì làm cho họ có vẻ oai phong, nhằm che dấu cái bản chất bần hèn của mình. Và khi đã được khoác vào chiếc áo oai phong, họ không muốn, hoặc không thể, có tư duy độc lập, suy nghĩ sáng suốt, vì như thế có thể làm cái áo oai phong của họ bay mất.

Tôi đã có nhận định về ông Hồ Chí Minh, ở đây chỉ muốn có vài nhận định, không đi vào chi tiết, nói về cái tầm thực sự của ông Võ Nguyên Giáp.

Theo tôi, nói về đức, ông Giáp là 1 trong số khá hiếm hoi trong lãnh đạo chính quyền Cộng Sản Việt Nam không vướng vào những trò ô trọc. Đồng thời, khác với các nhà lãnh đạo khác như ông Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, ông Giáp là người có học thức, qua trường lớp hẳn hoi. Và có lẽ nhờ tính tự trọng của một nhà trí thức, ông đã xử sự chừng mực, tránh những trò tiểu nhân mà các "đồng chí" của ông không ngại sử dụng trong các cuộc xung đột ở cung đình.

Tuy nhiên, xét kỹ ngọn ngành thì cái đức của ông cũng không phải là hoàn hảo. Ông là 1 tướng lãnh, đứng đầu quân đội, nhưng ông đã lạm dụng sinh mạng binh sĩ. Ông đặt nặng thành tích mà coi nhẹ sinh mạng binh sĩ dưới quyền ông. Trong chiến tranh, hy sinh là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng với những tướng lãnh có luơng tri, sinh mạng của binh sĩ phải được đặt lên hàng đầu, phải hạn chế tối đa. Với những chiến lược, chiến thuật khác nhau, người tướng lãnh có thể thực hiện những chiến công với số thương vong của binh sĩ ở mức ít nhất. Phần ông Võ Nguyên Giáp, thì chiến thuật biển người thường xuyên được áp dụng và với chiến thuật ấy, có thể chiến thắng đấy, những thiệt hại về binh sĩ không hề được lưu tâm đúng mức.

Ông Võ Nguyên Giáp phải coi thường sinh mạng binh sĩ, một phần vì hỏa lực của Mỹ quá mạnh, vũ khí quá tối tân, nhưng tôi nghĩ phần chính là cái tài của ông không đủ. Chiến tranh du kích thì chỉ có thể quấy rối, làm suy yếu tinh thần đối phương, còn muốn chiến thắng thì rồi cuối cùng cũng phải đối đầu trực tiếp ngoài trận địa mà ông lại không có thực tài trong lãnh vực này.

Ngoài ra ông cũng có những tính toán quân sự sai lầm khác, cụ thể là chiến dịch tết Mậu Thân 1968, với số binh sĩ thương vong lên đến cả 100 ngàn. Ông đã bị mất ảnh hưởng nặng nề trong hàng ngũ lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam sau thất bại này, và bị thay thế bằng ông Văn Tiến Dũng. Có thể nói thành công lớn nhất của ông Võ Nguyên Giáp là trận Điện Biên Phủ. Nhưng, theo tôi trận này mang tính lịch sử, Việt Nam và thế giới, nhiều hơn là nơi phô diễn tài năng quân sự của ông Giáp, mà cụ thể là số thương vong rất lớn của lính Việt trong trận này.

Một nhà quân sự học đã nói "Một tướng tài là người cầm quân giành được chiến thắng, với số thương vong ít nhất của cả 2 phía". Với tiêu chuẩn này thì ông Giáp ở dưới mức trung bình quá xa, vì số thương vong của binh sĩ của ông trên các trận địa quá lớn, chứ chưa nói đến phía đối phương.

Ông Võ Nguyên Giáp đã đóng vai trò rất lớn trong lịch sự hiện đại của Việt Nam, nhưng xét về tài năng quân sự mà báo chí Việt Nam đang tung hô, cũng như dân chúng Việt Nam đang ca ngợi, thì chỉ là trò đãi bôi. Ở tầm thế giới, ông ở dưói mức trung bình, ở tầm Quốc Gia ông trên trung mình chút ít, nhưng ông thua người kế nhiệm là Văn Tiến Dũng, và so với một số tướng lĩnh miền Nam Việt Nam, ông cũng không hơn họ.

Tuy nhiên, điều đó đã là quá khứ, không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng trong việc này là sự mu muội của người dân trong quá trình phát triển xã hội, để đi đến một đất nước văn minh, một quốc gia pháp trị. Hơn 50 năm nay, từ thời ông Hồ Chí Minh, họ vẫn tôn thờ các nhà lãnh đạo một cách mù quáng như thế. Chuyện chẳng gì khó khăn lắm, thậm chí có cái chết của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il để so sánh, thế mà họ còn không tỉnh ngộ, thì cái chuyện hiểu thấu đáo khái niệm dân chủ, tinh thần pháp trị, hẳn còn lắm gian nan.

Đinh Nghệ An

1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.