Dân tộc Việt có thông minh không?

Qua các phương tiện truyền thông, cũng như cách xử sự hàng ngày, chắc các bạn cũng nhận thấy phần đông người Việt tự cho rằng dân tộc Việt thông minh. Còn chuyện vì sao thông minh mà vẫn lạc hậu thì họ luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đây là căn bệnh khá phổ biến trên thế giới, nhưng với người Việt, căn bệnh này đã trở nên "nan y". Theo tôi, trí thông minh của người Việt chỉ ở mức trung bình, và quan trọng hơn là họ không muốn muốn thừa nhận điều ấy, để rồi tự mãn, không nghiêm túc trong vấn đề học tập và làm việc.


Trước hết xin phân biệt 2 khái niệm thông minh và khôn ngoan. Một người thông minh vẫn có thể không khôn ngoan và 1 người khôn ngoan có thể không thông minh. Để dễ hiểu chúng ta có thể sắp xếp khôn ngoan thuộc về các lãnh vực như khả năng lãnh đạo, khả năng làm kinh tế, khả năng làm chính trị, khả năng xử sự với quần chúng, cũng như khả năng thấu hiểu những triết lý trong xã hội. Còn thông minh thuộc về các lãnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên, toán học, vật lý v.v., hay các ngành nghề như kỹ sư, bác sĩ. Ở bài này tôi chỉ bàn đến khái niệm thông minh.

Nếu lấy 10 làm điểm tối đa của trí thông minh thì tôi nghĩ người Việt Nam ở vào khoảng 5-6. Và để có cái so sánh, tôi nghĩ người Mỹ (nói chung) cũng ở vào khoảng ấy, tức 5-6, chứ không hơn, nhưng chẳng kém. Người Việt cũng có 1 vài cá nhân nổi trội ở tầm thế giới, nhưng với dân số gần 90 triệu thì con số ấy quá nhỏ nhoi, khó có thể lấy nó để đại diện cho cả 1 dân tộc.

Gần đây, người ta thường lấy GS Ngô Bảo Châu, người đoạt giải toán học tầm thế giới, như bằng chứng của trí thông minh của người Việt, nhưng người ta lại không đề cập đến chuyện tỉ lệ với dân số Việt Nam. Đồng thời người ta cũng không đề cập đến chuyện trên thế giới, các nhà toán học ở vào tầm GS Ngô Bảo Châu cũng không ít.

Báo chí Việt Nam cũng rất nhiều lần đề cập đến chuyện làm việc của GS Ngô Bảo Châu ở đại học Chicago (Mỹ) với niềm tự hào mãnh liệt, nhưng họ lại không đề cập đến chuyện ngay trong đại học Chicago ấy, có rất nhiều nhà toán học ở vào tầm GS Ngô Bảo Châu hoặc hơn. Đó là chỉ 1 đại học, nếu xét trên toàn nước Mỹ thì sao? Con số không thể đếm!

Tôi cũng thấy trên 1 số blogs người ta cho rằng người Việt chỉ giỏi về trí tuệ, kém về sức lực, nên nếu Olymic có môn cờ vua thì người Việt mới có được huy chương vàng, ám chỉ vận động viên cờ vua Lê Quang Liêm. Một lần nữa, người Việt chỉ tự đánh giá mình, đóng tất cả các cửa còn lại. Lê Quang Liêm được xếp vào hạng siêu đại kiện tướng, nhưng có 2 câu hỏi lớn mà người ta phớt lờ. Trong số gần 90 triệu người Việt có bao nhiêu người nữa ở vào tầm Lê Quang Liêm? Trả lời : 0. Và câu hỏi quan trọng hơn, trên thế giới hiện nay có bao nhiêu siêu đại kiện tướng? Trả lời : 45. Trong số này, Lê Quang Liêm đứng thứ 34, vậy cơ hội cho Lê Quang Liêm giành huy chương vàng là bao nhiêu phần trăm?

Một trong 1 những ngộ nhận lớn nhất về trí thông minh của người Việt là người ta thường viện dẫn số người Việt đứng đầu ở các trường học nước ngoài ở các môn như Toán và các ngành chuyên về khoa học tự nhiên.

Ở Mỹ, trong số các học sinh đứng đầu tại các trường phổ thông, người gốc Việt chiếm 1 tỉ lệ rất lớn. Nhưng số liệu ấy có chứng minh cho trí thông minh của người Việt không? Theo tôi là không, vì người gốc Việt giỏi hơn chỉ vì đã bỏ thời gian nhiều hơn các dân tộc khác. Dù đó là một tập quán tốt, nhưng nó vẫn không là bằng chứng cho trí thông minh của người Việt.

Các bậc cha mẹ người Việt thường gò ép con mình học càng nhiều càng tốt, cố gắng đạt điểm cao ở các môn khoa học cơ bản. Với họ đó là sự thành công, đó là niềm tự hào. Điều này trái với triết lý giáo dục Mỹ, tuổi thơ vẫn phải học, nhưng vui chơi là chính, nếu có học thì vẫn là học trong sự vui chơi. Chính vì điều này mà trẻ em gốc Việt thường đạt điểm cao hơn người Mỹ khác, nhưng rõ ràng là tuổi thơ của các em đã bị tước đoạt phần nào so với người cùng trang lứa trong xã hội Mỹ.

Càng học lên cao thì số học sinh giỏi người Việt càng ít đi vì càng lên cao, trí thông minh càng trở nên quan trọng và nhất là cách học hỏi có khoa học, học vì tinh thần học thuật. Người Việt không hiếu học, chỉ là chịu khó học. Họ học không phải vì tinh thần học thuật, học không phải vì yêu khoa học, học không phải vì yêu tri thức. Họ học chỉ vì chữ "sĩ" và vì kế sinh nhai. (tôi đã đề cập vấn đề này ở những bài trước)

Ở bậc đại học số học sinh gốc Việt chuyên ngành toán, vật lý rất ít, mặc dù ở trường phổ thông họ thường đứng đầu lớp. Đối với những ngành này khi đi chuyên sâu đòi hỏi học sinh phải có trí thông minh và năng khiếu, chứ chỉ chuyên cần thì không đủ. Còn với các ngành nghề chuyên về kỹ thuật, mặc dù người Việt theo những ngành này rất đông, nhưng số thực sự giỏi rất ít, còn số chuyên sâu nghiên cứu càng ít hơn. Chứng tỏ rằng người gốc Việt trước đây học giỏi ở phổ thông và học được ở đại học là do tính chuyên cần, chứ không phải nhờ trí thông minh.

Năm tôi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, có 1 anh bạn người Việt tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin với điểm tối ưu, GPA 4.0. Theo tôi anh ta là người có trí thông minh trên trung bình rất xa. Cộng với tính chăm chỉ của người Việt thì anh ta có điểm đó không làm tôi ngạc nhiên tí nào. Nhưng đó chỉ là 1 cá nhân, nếu muốn xem xét ở tầm dân tộc thì ta phải lưu tâm đến nhiều điều khác nữa.

Năm ấy, báo chí Việt Nam tại tiểu bang tôi ở có bài đăng tin này với tựa "Trí thông minh của người Việt". Họ dựa vào một vài dữ liệu có thật, rồi vẽ vời thêm nhiều thứ mà anh ta không hề có, cuối cùng kết luận "Trí thông minh của người Việt lại được chứng minh". Đó là chuyện đăng thừa thông tin, ngoài ra họ còn đăng thiếu, cố ý thiếu, vì nếu đăng đầy đủ, họ sẽ không thể kết luận như nêu trên. Trong đợt tốt nghiệp ấy, có đến 22 sinh viên tốt nghiệp tối ưu : 2 người Đại Hàn, 1 người Trung Quốc, 2 người Thái, 1 người Việt, 1 người Campuchia, còn lại là người Mỹ (không phải gốc Á). Vậy là chuyện này chỉ chứng tỏ rằng anh ấy là người thông minh, nhưng chẳng nói lên được điều gì về dân tộc Việt.
 
Một trong những ví dụ nữa mà người ta thường dùng đề chứng tỏ trí thông minh của người Việt là các kỳ thi toán Olympic. Chúng ta vẫn thường thấy báo chí Việt Nam đăng tin này với niềm tự hào, Lê Bá Khánh Trình, Lê Tự Quốc Thắng là những tên tuổi mà học sinh Việt Nam sau 75 ít ai không biết. Nhưng những bản tin như thế thường bị cắt gọt, đăng không đầy đủ, tạo nên sự ngộ nhận cho độc giả, và vì lý do tuyên truyền họ cố tình tạo sự ngộ nhận ấy. Với các giải thưởng thể thao hay các giải thông thường, huy chương vàng chỉ giành cho người đứng đầu, nhưng với giải toán Olympic thì khác. Có thể có nhiều người đoạt huy chương vàng trong cùng 1 năm, tức đoạt huy chương vàng vẫn không phải là người đứng nhất. Trong số những quốc gia tham gia kỳ thi toán Olympic, Việt Nam chỉ trên trung bình một chút, trên 1 số nước và dưới 1 số nước. Tức nó vẫn không nói lên điều gì về trí thông minh của người Việt ở tầm quốc gia. Những người đoạt giải chỉ nói lên trí thông minh của chính cá nhân đó mà thôi.

Ở Việt Nam có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng khả năng của họ thế nào? Trừ 1 số rất ít, hầu hết khả năng của họ chỉ đủ lấy cái bằng mà không phải gian lận. Ở đây tôi không đề cập đến dạng "Tiến Sĩ Giấy", tức những người chỉ bỏ tiền mua cái bằng, mà tôi nói đến thành phần tiến sĩ thực thụ. Như các bạn cũng thấy, hầu hết sáng kiến, cải tiến có ý nghĩa thực tiễn ở Việt Nam đều được đưa ra bởi những người ít học. Có một số đề án mà tác giả là những người có học vị, nhưng tiếc thay, rồi lại liên quan đến gian lận, đánh cắp công sức của những người đi trước ở nước ngoài.

Ở nước ngoài có khá hơn, nhưng cũng không nói lên điều gì lớn lao. Trừ 1 vài trường hợp cá biệt, hầu hết kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ người Việt ở nước ngoài chỉ ở vào vị trí trung bình. Ngành luật còn tệ hơn, trong 100 luật sư người Việt thì 90 là luật sư văn phòng, những người mà công việc chủ yếu chỉ là lo giấy tờ, tài liệu cho các luật sư khác. Rất hiếm luật sư tranh tụng, càng hiếm hơn những người giữ vị trí chủ chốt trong tòa án như quan tòa (dường như chỉ có 3 người).

Tóm lại, theo tôi dân tộc Việt không kém thông minh để gặp khó khăn khi tiến tới tương lai, nhưng dân tộc Việt cũng không thuộc loại rất thông minh để có thể dễ dàng làm điều đó. Chúng ta vẫn phải cố gắng như nhiều dân tộc khác và quan trọng hơn là phải biết mình đang kém, và không phải thuộc loại rất thông minh, để học hỏi thiên hạ một cách nghiêm túc, học hỏi một cách có khoa học. Như đã đề cập ở phần trên, theo tôi, người Mỹ (nói chung) có trí thông minh ở mức trung bình. Thế tại sao họ trở thành 1 quốc gia giàu mạnh văn minh, tiên tiến trong tất cả mọi lãnh vực, trong 1 thời gian rất ngắn như thế? Một trong những lý do quan trọng là họ học và làm việc 1 cách có khoa học, mà tôi đã đề cập ở những bài viết trước.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.