Tại sao dân tộc Việt Nam mãi nghèo nàn và lạc hậu?

Đây là câu hỏi mà tất cả những người dân Việt có tâm huyết với vận mệnh dân tộc luôn đặt ra và đã có không ít câu trả lời, với nhiều lý do và cách thức diễn giải khác nhau. Người có trách nhiệm thì thường bảo là lý do khách quan, như chiến tranh, điều kiện lịch sử; kẻ cực đoan thì bảo là do chúng ta dốt, chúng ta hèn; với người lạc quan tếu thì đơn giản là ... chúng ta sẽ giàu và văn minh, không nên lo lắng.

Riêng tôi, xin nêu lên 1 lý do ít người nhắc tới, mà theo tôi, đây là 1 lý do cốt lõi, dẫn đến nhiều lý do khác làm cho chúng ta vẫn mãi nghèo nàn và lạc hậu. Đó là sự lãng phí. Lãng phí ở đây không chỉ là tiền bạc, của cải vật chất mà là lãng phí về mặt tri thức, nhân lực, chất xám. Và đáng lo ngại là sự lãng phí này vẫn đang diễn ra hàng ngày và xem chừng không bao giờ kết thúc nếu không có 1 sự thay đổi mang tầm vóc cách mạng. 

Sau khi dành được độc lập, nhà cầm quyền Việt Nam quyết định cai trị đất nước theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa, với chủ nghĩa Cộng Sản là cốt lõi. Với nền móng này, tất cả phương cách xây dựng đất nước đều dựa trên triết lý Cộng Sản, với sự trợ giúp và hướng dẫn của các nước "xã hội chủ nghĩa anh em". Quyết định sai lầm là 1 phần của kiếp người, và với 1 tập thể thì dĩ nhiên chuyện đó thường xuyên hơn, không có gì đáng nói. Cái đáng nói là chúng ta đã quyết đinh sai, nhưng hơn 60 năm, với biết bao nhiêu thực tế chứng minh nó sai, chúng ta vẫn chưa nhận ra được cái sai của mình, hoặc biết nhưng không dám thừa nhận cái sai đó để có thể chọn 1 hướng đi mới cho dân tộc mình. Sự lãng phí mà tôi muốn nêu lên bắt nguồn từ sự sai lầm này.

Gần đây người ta bàn tán xôn xao về việc làm ăn thua lỗ của 1 công ty hàng hải, mất mát lên tới hàng ngàn tỷ đồng; hoặc chi phí cho 1 lễ hội để đánh bóng v.v. Đó là sự lãng phí, nhưng nó chẳng thấm vào đâu so với sự lãng phí về mặt tri thức và chất xám mà chúng ta đã đang và sẽ phải đổ trôi sông.

Phong trào Hợp Tác Xã, thời kỳ ngăn sông cấm chợ, bắt nguồn từ 1 cái nhìn thiển cận về kinh tế và nhân lực của nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa, kéo dài từ Bắc chí Nam, đã tàn phá nền kinh tế chúng ta như thế nào, hẳn mọi người đều rõ. Với phương thức làm ăn này, từ thành thị đến nông thôn, người lao động nhanh chóng trở thành thằng lười, kẻ quản lý thì chỉ vài ngày là trở nên "lý trưởng". Hậu quả không chỉ về mặt kinh tế, mà cấu trúc xã hội trở nên hỗn loạn. Nó tồn tại bao lâu? Chắc chắn chẳng phải chỉ 1 năm, vì người ta cứ cho rằng "nghị quyết của Đảng là đúng đắn, chẳng qua người ta thực hiện chưa đúng mà thôi", nên "các đồng chí cứ cố gắng thực hiện", cho đến lúc "nghị quyết của Đảng luôn đúng, nhưng người ta cần phải có thời gian mới học tập và thực hiện được", người ta mới buông.

Có ai thống kê về thiệt hại do sự lãng phí này?

Cả 1 thế hệ chuyên gia kinh tế của đất nước được đào tạo, trong và ngoài nước, về nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa. Hiệu quả kinh tế của sự đầu tư này là gì? Môt số không tròn trịa!!! Đến những năm 90, tất cả các chuyên gia kinh tế đều phải chuyển sang học hỏi nền kinh tế thị trường với vốn liếng là 1 con số không. Đến mức 1 giáo sư kinh tế phải dịch một cuốn sách về kinh tế của Mỹ để dạy cho học trò mà chính ông ta cũng không hiểu người ta muốn nói cái gì.

Có ai thống kê về thiệt hại do sự lãng phí này?

Về mặt giáo dục, ai cũng biết hiện nay chúng ta thiếu hụt nhân sự về tất cả mọi lãnh vực. Tại sao thế? Lý do chiến tranh nữa ư, xem ra không ổn vì tính từ năm 75 thì đã gần 40 năm rồi. Chúng ta không có đủ thời gian học tập ư, lại càng sai hơn. Người Việt chúng ta, trong nước cũng như hải ngoại, dành thì giờ cho học tập nhiều hơn hầu hết các dân tộc khác. Vấn đề ở chỗ hiệu quả của việc đầu tư cho thời gian học tập. Cái cần thì chúng ta không học, lại dành thì giờ học hỏi những thứ không cần, hoặc đã bị thực tế chứng minh là sai, là bánh vẽ.

Sinh Viên chúng ta đã và đang phải bỏ quá nhiều thời gian cho những môn học thuộc loại "bảo vệ chế độ", thậm chí môn học chủ nghĩa Mác-Lênin là môt bắt buộc cho mọi ngành nghề. Đây là môn học mà cả thầy lẫn trò, chỉ cần bước ra khỏi lớp là thấy nó sai ngay, bởi thực tế rành rành trước mắt. Chúng ta thường than phiền sinh viên ngày nay ra trường không có đủ kỹ năng, nhưng lại không hỏi (hoặc không dám hỏi) trong 4 năm ở đại học họ bị bắt buộc phải học cái gì.

Đó là các trường đại học thông thường, chúng ta còn có cả hàng loạt các trường, các viện Mác-Lênin, các trường Đảng, nữa cơ. Biết bao nhiêu sinh viên, giảng viên (nói chung là nhân lực) qua biết bao thế hệ đã, đang và sẽ tiêu tốn thời gian và trí lực cho 1 triết lý, không chỉ thế giới, mà chính chúng ta cũng nhận thấy rằng nó không thực tế. Triết lý Mác-Lênin là 1 tư tưởng bên cạnh hàng trăm tư tưởng khác của nhân loại, nó có thể đúng hoặc sai, hoặc không thích hợp, các nước đều học cả, nhưng họ học trong tinh thần học thuật, chứ không phải học theo kiểu tôn giáo, xem nó là chân lý, như chúng ta đang làm.

Gần đây nhất, báo Tuổi Trẻ có phát động cuộc thi "chủ nghĩa Mác-Lênin" trên mạng, nghe đâu cả ngàn sinh viên tham gia. Nếu con số này mà đúng thì thật buồn làm sao. Tại sao chúng ta cứ thoải mái đầu tư thời gian, trí lực cho cái mà chính chúng ta cũng thấy nó không thực tế chứ? Triết lý này ban đầu có khoảng hơn chục nước xem nó là chân lý, nhưng lúc này chỉ còn lại vài ba nước và ngay cả những nước này cũng đang tìm cách từ bỏ nó.

Ngoài ra, chúng ta cũng miệt mài học những cái mà nhân loại không xếp nó vào dạng kiến thức. Tôi có xem 1 số giáo trình tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Xem xong, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là trên toàn cõi Việt Nam đã và đang có bao nhiêu sinh viên tiêu thì giờ, tuổi xuân của mình để học hỏi những cái mà nhân loại không biết xếp nó vào ngành nào. Một nhân vật lãnh đạo Việt Nam giới thiệu mình có bằng Tiến Sĩ ngành Xây Dựng Đảng. Cái bằng này mà đưa ra ngoài thế giới thì phải có thêm chú thích "tớ đến từ Sao Hỏa".

Có ai thống kê về thiệt hại do sự lãng phí này?

Chúng ta nên nhìn chính trị như một môn khoa học mà nhân loại hàng ngàn năm nay dày công vun đắp, ngõ hầu xây dựng một thể chế văn minh hiện đại, thích hợp với đà tiến triển của nhân loại, thay vì nhìn nó với lăng kính của đấu tranh giai cấp. Biết bao triết lý chính trị uyên thâm của nhân loại đã bị chúng ta bỏ qua, hoặc thêm thắt, bóp méo, để rồi tất cả đều chỉ biết "chân lý" Mác-Lênin. Tất cả những môn học liên quan đến chính trị tại đại học Việt Nam đều không có tí khoa học nào. Chỉ cần trình độ của kẻ biết đọc là chúng ta đều nhận ra ngay, những thứ này sinh ra chỉ với mục đích bảo vệ chế độ. Chính vì cái mục tiêu "bảo vệ chế độ" mà chúng ta đã và đang lãng phí rất nhiều thứ mà toàn là những thứ cưu mang những hệ lụy lâu dài. So với thứ lãng phí này thì vài ngàn tỉ đồng chẳng là gì cả. 


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.